Site icon Đô thị Bắc Ninh

Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản

Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản

Hà Nội yêu cầu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối, công khai, minh bạch, đặc biệt, kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ bất động sản khu vực trung tâm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội”, trong đó yêu cầu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối, kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ.

Đánh giá khái quát tình hình phát triển của các ngành nghề trên địa bàn TP Hà Nội, đề án cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, đến năm 2020, khu vực đô thị có 22.934 cơ sở kinh doanh bất động sản ngoài Nhà nước. Các cơ sở này tập trung nhiều ở các quận Cầu Giấy (3.600 cơ sở), Thanh Xuân (3.414), Nam Từ Liêm (2.417), Bắc Từ Liêm (2.750), Long Biên (2.680)… thu hút hàng nghìn lao động tham gia, với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2020.

Hà Nội yêu cầu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối, kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ (Ảnh: Trần Kháng).

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lĩnh vực kinh doanh bất động sản ngoài Nhà nước tại các quận Tây Hồ tăng 38,57%/năm, Long Biên 24,4%/năm, Hà Đông 39,14%/năm, Nam Từ Liêm 18%/năm, Bắc Từ Liêm 10,68%/năm…

Tuy nhiên, đề án cũng chỉ ra trong quá trình phát triển thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Trên cơ sở đó, thông qua Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” ban hành ngày 13/6, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu giải pháp về phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại – dịch vụ (mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, khách sạn…).

Đặc biệt, cần kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung – cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ bất động sản khu vực trung tâm.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn khuyến khích phát triển các loại hình công trình xanh, văn phòng xanh, khách sạn xanh thân thiện môi trường phục vụ thị trường cho thuê và kinh doanh du lịch, phù hợp với định hướng về phát triển thương mại – dịch vụ đô thị trung tâm.

Đồng thời, ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội tại các khu vực định hướng trở thành quận trong thời gian tới. Công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.