Site icon Đô thị Bắc Ninh

Phát triển đô thị Yên Phong giai đoạn 2017 – 2025, định hướng 2030: Tạo lập vị thế, thu hút đầu tư

Phát triển đô thị Yên Phong giai đoạn 2017 - 2025, định hướng 2030: Tạo lập vị thế, thu hút đầu tư

Quyết định 541/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 26.9.2018 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Yên Phong giai đoạn 2017 – 2025, định hướng 2030 đề ra mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng để đô thị Yên Phong đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2019, thành thị xã vào năm 2020 và thành quận vào năm 2022”. Đây là điều kiện quan trọng để tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, kích thích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Yên Phong cũng như toàn tỉnh Bắc Ninh.

Tiềm năng và lợi thế

Là trung tâm đầu mối giao thông, quốc lộ 18, quốc lộ 3, các đường liên tỉnh đường trục Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong I, II; huyện nằm ở vị trí phía tây bắc tỉnh Bắc Ninh, nằm ven sông Cầu với nhiều làng quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Trong đó, khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong có vị trí địa lý quan trọng, cách thành phố Bắc Ninh khoảng 20km về phía đông, cách thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía nam, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km. Tổng diện tích khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong bao gồm thị trấn Chờ và 13 xã thuộc huyện Yên Phong với diện tích khoảng 9.694ha. Theo kế hoạch, thị trấn Chờ mở rộng (nằm trong khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong), được xác định trong Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chờ và phụ cận, đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có quy mô diện tích khoảng 2.717ha (gồm thị trấn Chờ khoảng 845ha và các xã phụ cận khoảng 1.872ha).

Quyết định 541 của UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Yên Phong giai đoạn 2017 – 2025, định hướng 2030 đề ra mục tiêu “Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng để đô thị Yên Phong đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2019, thành thị xã vào năm 2020 và thành quận vào năm 2022”.

Phát triển vượt trội

Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những năm qua, Yên Phong đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và đã đạt được những kết quả vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Huyện có lợi thế phát triển tỷ trọng ngành công nghiệp, trong đó KCN Yên Phong I, II khởi công năm 2005 với mức vốn đầu tư là 3,4 tỷ USD, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung, Orion, Flexcom, Dongsin… Các KCN đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ trên địa bàn. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư với nhiều dự án xây dựng mới, nâng cấp và chỉnh trang, đặc biệt là hệ thống giao thông, công sở, cơ sở y tế, văn hóa, trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông… được triển khai xây dựng khá đồng bộ, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại.

Nhìn vào kết quả tổng kết của Yên Phong, năm 2018, thu ngân sách địa phương đạt 1.347.715 triệu đồng, đạt 184% dự toán năm huyện xây dựng và đạt 199% dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân ước đạt 57,72 triệu đồng/người/năm (bằng 0,9 bình quân chung cả nước), tăng 5,76 triệu đồng (11,1 %) so với năm 2017. Bằng nhiều nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội và xây dựng đô thị, khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong đã có những bước phát triển vượt trội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện Yên Phong nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Đạt các tiêu chí

Căn cứ đánh giá, phân loại đô thị trên cơ sở hiện trạng và các số liệu quản lý tính đến tháng 12.2018 của các cơ quan chuyên môn nhằm dự kiến xây dựng, phát triển đô thị khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong, huyện Yên Phong, các đơn vị, sở ngành liên quan của tỉnh Bắc Ninh cùng tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu và đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 để so sánh, đánh giá điểm theo 5 tiêu chí quy định đối với đô thị loại IV trực thuộc tỉnh.

Với những điểm số để đánh giá, phân loại đô thị được cụ thể hóa bằng 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn quy định, cho đến thời điểm này, huyện Yên Phong đã đạt được 5 tiêu chí, trong đó, tiêu chí 1, về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội (đạt 20/20 điểm); tiêu chí 2, về quy mô dân số đô thị (đạt 8,0/8,0 điểm); tiêu chí 3, về mật độ dân số (đạt 6,0/6,0 điểm); tiêu chí 4, về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (đạt 6,0/6,0 điểm), tiêu chí 5 về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị (đạt 50,55/60 điểm). Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm tiêu chuẩn chưa đạt như cơ sở y tế cấp đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; nhà tang lễ; cây xanh đô thị; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị trên tổng số trục chính…

Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, với những nhóm điểm chưa đạt, Yên Phong đã đưa ra giải pháp khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị đến năm 2030,  mục tiêu được chia theo thành 2 giai đoạn cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tương xứng với chức năng của đô thị loại IV, rà soát, triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

Theo Quyết định 1369/QĐ-Tg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17.10.2018, phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực dự kiến thành lập thị xã Yên Phong có diện tích 96,93km2, cùng với thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Quế Võ giữ vai trò là “đầu tàu và hạt nhân” thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương, làm cơ sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tác giả: TS. Dương Quang Hùng