Shophouse (nhà phố thương mại) là loại hình nhà ở kết hợp với kinh doanh đang khá thịnh hành tại Việt Nam. Vậy, shophouse là gì, thời hạn sử dụng cũng như ưu, nhược điểm của shophouse như thế nào?
- Shophouse là gì?
- Đặc điểm của shophouse
- Thời hạn sử dụng của shophouse
- Shophouse có được cấp Sổ đỏ không?
- Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của shophouse
1. Shophouse là gì?
Khái niệm shophouse chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh thương mại.
Shophouse hay còn gọi là nhà phố thương mại, là loại công trình kết hợp giữa nhà ở và cửa hàng kinh doanh thương mại. Loại hình này được hình thành do nhu cầu của thị trường và đã được xây dựng tại một số địa phương, đặc biệt là tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đặc điểm của shophouse
Với mục đích thiết kế cho nhu cầu ở và hoạt động kinh doanh thương mại, shophouse được thiết kế với những đặc điểm dễ dàng nhận diện như sau:
– Shophouse được xây dựng liền kề dọc theo tuyến đường, tuyến phố và số tầng thường từ 02 – 04 tầng.
– Về mục đích sử dụng: Shophouse có mục đích sử dụng đa dạng, nhưng thông thường tầng một có mục đích để kinh doanh như quán café, nhà hàng, văn phòng, cửa hàng, cửa tiệm,… Tầng trên nhất được thiết kế với mục đích để ở.
Ngoài ra, không gian xung quanh khu shophouse là những tổ hợp công trình hiện đại với đầy đủ các tiện ích và có không gian vui chơi giải trí.
3. Thời hạn sử dụng của shophouse
Căn cứ Điều 125 và Điều 126 Luật Đất đai 2013, tùy thuộc vào mục đích sử dụng đất hoặc dự án cụ thể mà thời hạn sử dụng của shophouse là khác nhau:
– Shophouse có thời gian sử dụng ổn định lâu dài nếu được xây dựng trên đất ở.
– Shophouse có thời gian sử dụng không quá 50 năm nếu có vị trí trong lô đất Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư (khi hết thời hạn mà người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá 50 năm).
Cách xác định thời hạn:
* Căn cứ thực tế (đây là một căn cứ xác định nhưng không đúng với mọi trường hợp).
– Shophouse là nhà liên kế thì thời hạn sử dụng thông thường không quá 50 năm, một số khác có thời hạn sử dụng lâu dài.
– Shophouse là căn hộ khối đế của dự án chung cư thì thông thường thời hạn sở hữu là 50 năm.
* Căn cứ pháp lý: Kiểm tra Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) của chủ đầu tư hoặc của hộ gia đình, cá nhân khi họ chuyển nhượng lại.
4. Shophouse có được cấp Sổ đỏ không?
Luật Đất đai 2013 quy định khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực dự án thì chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất dự án. Đồng thời khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 và Điều 118 Luật Nhà ở 2014 quy định khi chủ đầu chuyển nhượng shophouse phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tóm lại, Shophouse được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) và đây cũng là điều kiện phải có khi chuyển nhượng cho người mua, nếu không Giấy chứng nhận sẽ không được chuyển nhượng, tặng cho. Vì lý do này nên nhiều chủ đầu tư đã “bán” cho khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn, giấy ủy quyền,… đây là điều mà người mua phải hết sức lưu ý trước khi ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng vì rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, nhất là khi giá của shophouse rất cao.
5. Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của shophouse
* Ưu điểm của shophouse
– Vị trí tốt: Shophouse có vị trí rất thuận lợi, thường là trục chính hoặc gần trục chính của khu dân cư đông đúc; từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu khi đưa vào sử dụng hoặc dễ dàng cho thuê.
– Tính ứng dụng cao: Ưu điểm này xuất phát từ thiết kế hiện đại với hai mục đích khác nhau là kinh doanh và ở.
– Mua đi bán lại khá dễ dàng: Các căn Shophouse thường có vị trí đắc địa nhất trong dự án bất động sản và số lượng không nhiều, cộng với những ưu điểm ở trên cũng như thị hiếu của nhiều người nên việc chuyển nhượng khá dễ dàng.
Ngoài ra, các căn shophouse trên thực tế được thiết kế đẹp, hiện đại và có diện tích khá rộng.
* Nhược điểm của shophouse
– Giá thành cao: Vì nhưng ưu điểm vượt trội như trên nên các căn shophouse thường có giá cao.
– Thời hạn Giấy chứng nhận: Vì là đất dự án của các chủ đầu tư nên thời hạn sử dụng đất thường không quá 50 năm; mặc dù khi có nhu cầu sẽ được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng (xem xét chứ không phải đương nhiên được gia hạn nên nhiều khi ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người mua).
– Shophouse nhiều khi không phải là “gà đẻ trứng vàng”: Nhiều người mua shophouse với mục đích chủ yếu là mua đi bán lại để sinh lời nhưng lợi nhuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như nhu cầu của người mua, số lượng dân cư trong khu vực đó, thậm chí tính “sôi động” dự án shophouse mang tính thời điểm nên hiệu quả kinh doanh có thể không như mong đợi