Sau những động thái siết việc bán nhà 2 giá, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đạt 16.000 tỉ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.

Tăng hàng nghìn tỉ đồng

Thời gian qua, nhiều cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia mua bán, kinh doanh BĐS đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc có hiện tượng ký hai hợp đồng ghi giá khác nhau, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BĐS để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Siết bán nhà hai giá để tăng thu ngân sách
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của bộ, ngành cũng như các tỉnh, tình trạng mua bán nhà “hai giá” sẽ giảm triệt để. Ảnh minh họa: Cao Nguyên

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng BĐS. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, kết quả thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS tăng mạnh. Nhiều địa phương tăng thu ngân sách từ chống thất thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Cụ thể tại Quảng Bình, ông Đoàn Vĩ Tuyến – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình – cho biết, tính đến ngày 20.6.2022, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh 2.421 lượt hồ sơ khai thuế với số tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS phải nộp tăng thêm hơn 20,6 tỉ đồng. Trong đó, thuế TNCN là 16,5 tỉ đồng; lệ phí trước bạ là 4,1 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại Thừa Thiên – Huế, báo cáo của Cục Thuế tỉnh này cho thấy tính đến 31.5.2022, số hồ sơ chuyển nhượng BĐS là 2.644 hồ sơ; số thuế TNCN chênh lệch là 13,248 tỉ đồng.

Tính chung trong cả nước, năm 2021, số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS đạt 21.000 tỉ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỉ đồng (tăng 30%) so với năm 2020. Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả thu thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS đạt 16.000 tỉ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.

Siết chặt để tăng thu ngân sách

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia về thuế – cho biết, quy định hiện hành đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng BĐS, cá nhân phải nộp 2% tiền thuế trên giá chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp 20% trên thu nhập. Có 2 cách tính thuế đang được áp dụng, gồm: Dựa vào giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá thấp hơn khung quy định.

Ông Thịnh phân tích, quy định này lại trở thành “lỗ hổng” để trốn thuế vì bảng khung giá đất thấp hơn rất nhiều so với thực tế, có những khu vực giá đất thị trường cao hơn từ 50-70% trong bảng khung giá. Bên cạnh đó, luật cũng quy định đây là những giao dịch dân sự, cho phép người mua và người bán được quyền thỏa thuận, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) – cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trốn thuế, lừa đảo. Theo đó, HoREA từng đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất; đánh thuế thu nhập thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội Nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS.

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS và chống thất thoát nguồn thu của nhà nước.

Theo Anh Huy/laodong.vn